VOH - “Học ăn học nói học gói học mở” là lời khuyên nhủ chúng ta cần biết học cách ăn uống sao cho thanh lịch, nói năng cho nhã nhặn và ứng xử cho khôn khéo, có chừng mực.
Mục lục
Trong cuộc sống, từ lúc sinh ra cho tới lúc trưởng thành, chúng ta đều cần phải học hỏi và tích lũy kiến thức về mọi mặt, từ học thức cho đến đối nhân xử thế. Và với vấn đề này, từ xưa nhân gian ta có câu nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở” như một bài học dạy cách ứng xử đời thường.
“Học ăn học nói học gói học mở” là gì?
Trong câu tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở”, từ “học” được nhắc lại 4 lần và kết hợp với các động từ chỉ hành động đời thường của con người là ăn, nói, gói, mở.
- Học ăn: Nhìn vào cách ăn uống cũng có thể giúp chúng ta đánh giá được trình độ văn hóa của một người. Ăn uống lịch sự, hòa nhã sẽ tạo ra thiện cảm với người khác, đồng thời cho thấy người đó xuất thân từ gia đình có lối sống đẹp.
- Học nói: Ngôn ngữ là hình thức giao tiếp rất quan trọng trong cuộc sống con người. Mà đã là con người cần học cách ăn nói khéo léo, nhã nhặn, để có thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống.
- Học gói, học mở: Gói và mở ở đây không đơn thuần là học những kỹ năng trong việc gói bánh, mở quà, mà còn học cách ứng xử khéo léo, sắp xếp mọi thứ đúng lúc, đúng chỗ.
Trong cuộc sống, con người sẽ phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh phức tạp, đòi hỏi phải biết xử lý tinh tế thì mới có được kết quả như mong muốn. Chúng ta bắt buộc phải “học” từ lời ăn tiếng nói, cũng như trong một số trường hợp cần biết “gói ghém” sự việc lại cho gọn gàng, nhưng cũng có lúc cần biết “gợi mở” vấn đề ra một cách văn minh.
Ý nghĩa câu “Học ăn học nói học gói học mở” mang đến bài học gì?
Từ câu tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở”, người xưa muốn khuyên răn con người nên khéo léo trong công việc, cách đối nhân xử thế cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần biết học tập từ những thứ nhỏ nhặt, cơ bản nhất. Ngoài những kiến thức trong sách vở, chúng ta còn phải học những kỹ năng trong cuộc sống. Có như thế mới trở thành người có văn hóa trong xã hội.
Trong ăn uống, cần học phép lịch sự. Bạn có thể vận dụng cả câu tục ngữ “ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Khi ăn không nên khua bát đũa, miệng nhai nhồm nhoàm hay cố tạo ra âm thanh lớn khi ăn.
Trong giao tiếp, phải biết cách xưng hô nói năng lễ phép, nhã nhặn. Tùy từng đối tượng mà cần sử dụng những từ ngữ phù hợp. Lời chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi là những điều tối thiểu mà ai cũng đều phải thực hiện. Bên cạnh đó, nên vận dụng các câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để nắm được tầm quan trọng của việc giao tiếp trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hàng ngày cần biết tiết kiệm, giữ gìn, tránh lãng phí tài nguyên. Đồng thời, rèn luyện cho mình tính bao dung, sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác.
Nên nhớ rằng, một hành động bất cẩn, thiếu suy nghĩ có thể làm mất thiện cảm hay nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng một cử chỉ chân thành, rộng lượng lại có thể mang tới hạnh phúc và tin tưởng.
Những lời dạy mà tổ tiên chúng ta để lại từ xưa đến nay vô cùng thiết thực vì đó là đúc kết sàng lọc trong cách đối nhân xử thế qua hàng nghìn năm. Vì thế, cho dù là trong thời đại nào, câu tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở” vẫn mang rất nhiều giá trị lớn để các thế hệ mai sau trân trọng và ghi nhớ.
“Học ăn học nói học gói học mở” tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Anh, tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở” có thể được dịch ra thành cụm từ Learning everything.
Ví dụ đặt câu: Learning everything sounds difficult to practice, but it is necessary.
Tạm dịch: “Học ăn học nói học gói học mở” nghe có vẻ khó thực hành, nhưng nó cần thiết.
Xem thêm:
Câu nói ‘Trẻ lên ba cả nhà học nói’ và lời nhắc nhở dành cho mỗi bậc phụ huynh
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’ khuyên chúng ta điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Ăn trông nồi ngồi trông hướng’ nhắc nhở điều gì?
Tục ngữ, thành ngữ, ca dao có ý nghĩa tương tự “Học ăn học nói học gói học mở”
Câu tục ngữ "Học ăn học nói học gói học mở" quả thật là một bài học sâu sắc, là kim chỉ nam cuộc sống của nhân loại và lưu truyền đến muôn ngàn đời. Ngoài câu nói trên, trong kho tàng ca dao dân gian còn có rất nhiều câu nói, tục ngữ, thành ngữ mang ý nghĩa tương tự mà bạn cần học tập như:
- Học, học nữa, học mãi
- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
- Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
- Lời chào cao hơn mâm cỗ
- Lời nói gói vàng
- Có học, có khôn
Những câu nói tiếng Anh liên quan đến câu tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở”
“Học ăn học nói học gói học mở” là bài học quan trọng trong bất kỳ hệ thống giáo dục nào và cũng là một điều cần thiết trong xã hội ngày nay. Câu tục ngữ này không chỉ phổ biến ở nền văn minh phương Đông mà còn được đề cao mạnh mẽ trên thế giới, bằng chứng là những câu nói tiếng Anh mang ý nghĩa tương tự với tục ngữ “Học ăn học nói học gói học mở”.
1. “Our thoughts shape how we behave”- Bangambiki Habyarimana
Tạm dịch: "Suy nghĩ của chúng ta sẽ quyết định cách chúng ta hành xử như thế nào”
2. “Better spend time working hard to maintain your good habits because you may look for time to recover it but to no avail!” - Israelmore Ayivor
Tạm dịch: Tốt hơn hết là hãy dành thời gian làm việc chăm chỉ để duy trì những thói quen tốt của bạn, bởi dù bạn cố gắng dành thời gian để khắc phục chúng thì cũng vô ích thôi!”
3. “By behaving naturally and sincerely, you become a giant magnet, pulling people to yourself!” - Mehmet Murat ildan
Tạm dịch: “Bằng cách cư xử tự nhiên và chân thành, bạn sẽ trở thành một thỏi nam châm khổng lồ kéo mọi người đến với chính mình!”
4. “Too often we underestimate the power of a touch, a smile, a kind word, a listening ear, an honest compliment, or the smallest act of caring, all of which have the potential to turn a life around” - Leo Buscaglia
Tạm dịch: “Chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của một cái chạm, một nụ cười, một lời nói tử tế, một đôi tai lắng nghe, một lời khen chân thành, hoặc một hành động quan tâm nhỏ nhất, tất cả đều có khả năng thay đổi cuộc sống”
5. “Until you have cultivated the habit of saying some kind word of those whom you do not admire, you will be neither successful nor happy” - Napoleon Hill
Tạm dịch: “Bạn sẽ chẳng thành công hay hạnh phúc cho đến khi bạn đã rèn luyện được thói quen nói những lời tử tế với những người mà bạn không ngưỡng mộ”.
Tóm lại, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chính là bài học đúng đắn cho mỗi người trong chúng ta về ăn uống, nói năng, ứng xử. Và chính những điều này sẽ là hành trang cần thiết trong cuộc sống để giúp chúng ta hoàn thiện bản thân.